Trong 02 ngày 26 – 27/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra Hội nghị khách sạn Việt Nam lần thứ 6 (Hospitality Vietnam Conference 2023). Hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện khách sạn châu Á (Hospitality Asia) có sức ảnh hưởng hàng đầu khu vực, thu hút các chuyên gia và người có đóng góp trong ngành du lịch và khách sạn tham dự.
Đại diện Bộ Xây dựng chia sẻ về cơ chế quản lý và chính sách phát triển khách sạn xanh tại Việt Nam
Chủ đề của HVC 2023 gồm Hội nghị thượng đỉnh đầu tư và phát triển khách sạn và Hội nghị thượng đỉnh Doanh thu khách sạn. Tại Hội nghị này, các chuyên gia đã cùng nhìn lại bối cảnh đầu tư khách sạn Việt Nam năm 2023; đưa ra chiến lược hòa nhập của các thương hiệu khách sạn; Chuyển đổi và nâng cấp khách sạn để tìm kiếm cơ hội; Tạo điểm nhấn trong các thiết kế khách sạn sang trọng… Đặc biệt, nhóm diễn giả Việt Nam đã trình bày điểm dừng chân tiếp theo của các nhà đầu tư và điều kiện để phát triển trong thời gian tới của các doanh nghiệp khách sạn và du lịch.
Thử thách và giải pháp
Ngay từ cuối năm 2022, thị trường bất động sản Việt Nam đã phải đối mặt với những thách thức đến từ tình trạng nguồn vốn tín dụng bị siết chặt, lãi suất tăng cao, cùng với những tồn đọng về pháp lý trong cấp phép và xét duyệt hồ sơ dự án, cũng như việc xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư, đơn vị vận hành và khách hàng đã làm giảm sự phục hồi, phát triển của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo dự đoán của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), chỉ các dự án bất động sản cao cấp, được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín mới có thể giữ được kỳ vọng về tiềm năng phát triển. Vậy trên thực tế, các chủ đầu tư đang có động thái gì trước những biến động của thị trường? Đâu là giải pháp phù hợp để tạo đà phục hồi mạnh mẽ?
Theo diễn giả David Jackson – Giám đốc điều hành Colliers International tại Việt Nam: Năm 2023 sẽ tiếp tục chứng kiến sự phục hồi của ngành Du lịch, với nhu cầu khách sạn không ngừng tăng cao trên khắp khu vực châu Á. Tại Việt Nam, bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục là “mảnh đất màu mỡ” khi Chính phủ đang nỗ lực tận dụng sự phục hồi của nhu cầu du lịch và nghỉ dưỡng từ cả khách du lịch trong nước và quốc tế sau đại dịch. Tuy nhiên, ngành Khách sạn Việt Nam vốn đã tốt nhưng các nhà đầu tư cần lưu ý một vài vướng mắc trong quy định và Luật Đất đai trước khi đưa ra quyết định của mình.
Quang cảnh hội nghị
Để doanh thu ngành Khách sạn được phục hồi, theo ông Markus Mueller – Tổng Giám đốc GauVendi: Ngành khách sạn cần một cuộc cách mạng nhằm mang lại sự khác biệt thực sự như: Áp dụng các chiến thuật kinh doanh mới, ngành khách sạn cần chuyển đổi từ khoảng không quảng cáo tĩnh cho các loại phòng sang khoảng không quảng cáo động dựa trên các tính năng. Đây là nền tảng của sự tự động hóa doanh thu và bán hàng theo điểm dữ liệu mới, trong đó Al và Deep Learning sẽ trở nên ý nghĩa và các trải nghiệm mua hàng mới được phát triển để khuyến khích các kênh bán hàng trực tiếp.
Với nhóm diễn giải Việt Nam thì cho rằng: Việc tối ưu hóa doanh thu cho một khu nghỉ dưỡng hoặc khách sạn sang trọng ở Việt Nam đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện với nhiều yếu tố, bao gồm chiến lược định giá, gói phòng đa dạng, tính năng độc đáo gắn với thực hành bền vững, hoạt động marketing hiệu quả và dịch vụ khách hàng đặc biệt.
Những biến số này cho phép các khách sạn và khu nghỉ dưỡng tạo nên sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường và tăng khả năng sinh lời. Đặt trong những thách thức như sự phục hồi chậm của lượng khách du lịch, khan hiếm nhân sự và chi phí vận hành tăng, sự linh hoạt giúp các khách sạn phản ứng tức thì với những biến động về nhu cầu của khách hàng, từ đó định hướng các kế hoạch tiếp cận thị trường và marketing.
Trong phiên họp này, các chuyên gia đã giới thiệu cách tiếp cận để thực hiện trách nhiệm xã hội trong ngành Khách sạn Việt Nam để tập trung thúc đẩy các yếu tố: Môi trường (hiệu quả năng lượng và giảm thiểu chất thải, Xã hội (sức khỏe và phúc lợi của khách hàng và nhân viên, gia tăng việc làm và đảm bảo quyền lợi người lao động) và Quản trị (trách nhiệm cộng đồng).
Điểm dừng chân của các nhà đầu tư vào Việt Nam
Theo VARS, thị trường trong nước có hơn 19.124 bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng mới vào năm 2022. Nguồn cung chính đến từ các tỉnh miền Trung với gần 8.000 sản phẩm, chiếm khoảng 42% tổng nguồn cung toàn thị trường. Các nhà điều hành quốc tế và trong nước đang chú ý đến các điểm đến mới như Hồ Tràm, Quy Nhơn và Phú Yên, bên cạnh những khu vực vốn nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc.
Các bất động sản nói trên đều thuộc phân khúc hạng sang, được phát triển bởi các chủ đầu tư danh tiếng, trong bối cảnh sự gia tăng đáng kể của tầng lớp thượng lưu và sự chuyển dịch trong hành vi của khách hàng hướng tới sức khỏe về thể chất và tinh thần. Vậy, trong năm 2023, điểm đến nào sẽ thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư nhanh nhạy? Khẩu vị của họ sẽ vẫn là danh mục truyền thống như vùng ven biển hay lan rộng sang cả khu vực khác?
Ông Lê Hoàng Vũ – Phó Chủ tịch Tập đoàn Cloud Gate trao đổi tại phiên thảo luận
Theo ông Lê Hoàng Vũ – Phó Chủ tịch Tập đoàn Cloud Gate: Trong những năm gần đây, Cloud Gate cùng nhiều chủ đầu tư uy tín khác đang tập trung vào các thị trường ven biển mới giàu tiềm năng, trong đó có Phú Yên. Với định hướng phát triển kinh tế bài bản của tỉnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, đặt mục tiêu thành phố Tuy Hòa đến năm 2025 trở thành đô thị loại 1 – trung tâm động lực trực thuộc tỉnh, đây sẽ là điểm thuận lợi cho các nhà đầu tư đến Phú Yên để đầu tư và phát triển du lịch.
Thực tế cho thấy những kết quả khả quan với 2.2 triệu lượt khách du lịch tới Phú Yên trong năm 2022, đạt cao nhất từ trước đến nay, tăng 491.4% so với cùng kỳ năm 2021, tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt 2.760 tỷ đồng, tăng 620,2% so cùng kỳ năm 2021 và tăng 42.2% so cùng kỳ năm 2019. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, tuy là thời kỳ du lịch thấp điểm nhưng khách du lịch đổ dồn về Phú Yên với nhịp độ tăng cao, gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 721.000 lượt khách, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, Phú Yên có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch hấp dẫn, biển đẹp, phong cảnh thiên nhiên độc đáo, văn hóa giàu bản sắc còn chưa được khai thác.
Một số các nhà đầu tư hiện nay đã đến đây để phát triển các sản phẩm khách sạn chất lượng hơn, với tiêu chuẩn quốc tế cao hơn, có thể kể đến các thương hiệu Grand Mercure, Mandarin Oriental, Wink Hotels,… Đối với Cloud Gate, tập đoàn cũng đang hợp tác với Sailing Club Leisure Group để phát triển khối khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao SAILS by Sailing Club thuộc khu nghỉ dưỡng và giải trí ven biển cao cấp L’Aurora Phu Yen. Phú Yên đang dần chứng minh là điểm đến giàu tiềm năng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư cũng như các nhà vận hành lớn phát triển các tên tuổi tại đây.
Không khí phiên thảo luận
Sau đại dịch Covid-19, hình thức làm việc ngoài văn phòng trở thành xu hướng phổ biến và sẽ tiếp tục phát triển. Vì vậy, yếu tố “Bleisure – du lịch kết hợp công tác” và du lịch digital (du lịch kỹ thuật số) là những phân khúc thị trường đang phát triển. Từ những chiếc giường gấp cho đến những hành lang sinh động và những nơi lưu trú dài hạn, các khách sạn đang thay đổi mọi thứ để phục vụ tốt hơn làn sóng mới của những người làm việc từ xa bằng cách tạo ra những không gian làm việc được tối ưu, những ý tưởng thư giãn nổi bật và những phòng chờ kết hợp văn phòng. Đây là cơ sở để các kiến trúc sư nghiên cứu khi thiết kế khách sạn trong tương lai.
Tuy nhiên, theo các diễn giả quốc tế, thuật ngữ “Luxury” (cao cấp) hiện nay được sử dụng như một định nghĩa về phong cách cho phần lớn các khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Xu hướng này tập trung vào việc tạo ra những kiến trúc và thiết kế độc đáo, mang đậm dấu ấn thương hiệu và khơi gợi những “nút thắt” cảm xúc đặc biệt trong tâm trí khách hàng.
Những yếu tố như môi trường (hiệu quả năng lượng và giảm thiểu chất thải, xã hội (sức khỏe và phúc lợi của khách hàng và nhân viên, gia tăng việc làm và đảm bảo quyền lợi người lao động) và quản trị (trách nhiệm cộng đồng) để nâng cấp khách sạn cũng được các diễn giả nhấn mạnh tại hai Hội nghị này.